Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2 đang tiến hành những bước khởi động theo dự kiến, để tới đầu năm 2014 sẽ khởi công phần hạ tầng cho xây dựng nhà máy.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, cho biết theo tiến độ tổng thể thực hiện dự án, đầu năm 2014, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ khởi công các hạng mục khu tái định cư, khu nghĩa trang, hệ thống cấp nước phục vụ khu tái định cư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đến cuối tháng 9.2013, phải hoàn thành công tác lập, trình và phê duyệt dự án di dân, tái định cư của các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
ÔNg Hùng cũng cho hay, trong quý 4/2013 sẽ hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hợp phần thuộc dự án di dân, tái định cư Nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Quý 1/2014, các đơn vị trình duyệt kế hoạch đấu thầu thi công xây lắp các hợp phần thuộc dự án Nhà máy điện hạt nhân 1 và 2, hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp và tổ chức khởi công xây dựng công trình hạ tầng cho điện hạt nhân.
Điện hạt nhân được ví như một nguồn “năng lượng xanh” của tương lai. Tuy nhiên để có thể đạt được điều đó, phát triển điện hạt nhân phải tuyệt đối an toàn. Ngày 24.8, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ đã làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận và khảo sát thực tế địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2. Ông cho rằng, những biện pháp bảo đảm an toàn hạt nhân, an toàn bức xạ là điều kiện tiên quyết đối với một cơ sở hạt nhân, nó phải được vận hành an toàn với con người, thân thiện với môi trường tự nhiên và xung quanh nhà máy.
Theo ông Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, phóng xạ tạo ra từ bên trong các lò phản ứng hạt nhân cũng giống như phóng xạ tự nhiên nhưng có cường độ lớn hơn. Tuy nhiên, những lớp chắn phóng xạ tại các nhà máy điện hạt nhân đã tạo môi trường an toàn cho người dân sống xung quanh khu vực nhà máy nên lượng phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân mà con người tiếp xúc là không đáng kể. Theo ông Điền, các lò hạt nhân đều được bảo vệ triệt để gồm: Ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện, dập tắt các sự kiện bất thường không để biến thành sự cố; cô lập, kiểm soát các sự cố; ngăn ngừa sự cố có thể làm thoát xạ ra môi trường.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ninh Thuận 1 sẽ sử dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân hiện đại nhất (VVER-1000). Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ do Nga xây dựng, Tập đoàn Rosatom (của Nga) là đơn vị thi công dự án này. Vấn đề an toàn điện hạt nhân ở VN tập trung vào 3 nội dung chính: Đánh giá tác động môi trường; quản lý môi trường (bức xạ và phi bức xạ) trong xây dựng và vận hành; quan trắc phóng xạ môi trường và văn hóa an toàn. Cũng theo ông Hùng, công tác kiểm soát các thiết bị máy móc đưa vào sử dụng phải rất chặt chẽ. Các yêu cầu, tiêu chuẩn về độ tin cậy của lò phản ứng và các thiết bị đồng bộ đòi hỏi rất cao (xác suất hỏng hóc, phá hủy lò từ 10-6 - 10-7/năm hoặc thấp hơn).
Tuy nhiên, nguồn nhân lực để vận hành nhà máy điện hạt nhân mới là chìa khóa đảm bảo tính an toàn của điện hạt nhân. Nhu cầu cho các nhà máy sắp được xây dựng có thể lên tới cả nghìn người, nhưng hiện cả nước mới có 6 trường đại học và Viện Năng lượng nguyên tử có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật hạt nhân. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân rất cần một kế hoạch khoa học và tổng thể. (Linh Phạm)
Nguồn: EVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét