Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Tiềm năng kinh tế

Việc nhận diện và đánh giá đúng những tiềm năng, thế mạnh, cùng với phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất; dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu chống ngoại xâm sẽ trở thành những nền tảng cơ bản để Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu mạnh, văn minh.


Nhận diện những tiềm năng
Ninh Thuận là tỉnh cực Nam Trung Bộ với nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội: có quốc lộ 1A, quốc lộ 27, đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh; ngã ba nối Nha Trang (Khánh Hoà) - Đà Lạt (Lâm Đồng) - thành phố Hồ Chí Minh; cảng Ba Ngòi - Cam Ranh đang được đầu tư nâng cấp thành cảng hàng hóa chỉ cách ranh giới tỉnh 10 km và cách thị xã Phan Rang - Tháp Chàm hơn 40 km.
Nhắc đến Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay đến vùng đất trung kiên, anh dũng trong cách mạng giải phóng dân tộc với những tên đất, tên làng, tên người đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc như: "Bẫy đá Pi Năng Tắc"; các chiến khu Anh Dũng, Cà Đú, CK22, CK7, CK19, CK35 một thời oanh liệt; những anh hùng Pi Năng Tắc, Pi Năng Thạnh, Chamaléa Châu - dân tộc Raglai; anh hùng Đổng Dậu (dân tộc Chăm) mãi lưu danh cùng quê hương, đất nước.
Diện tích tự nhiên 3.360 km2 với 3/4 lãnh thổ được bao bọc bởi những dãy núi đá như những chiếc bình phong chắn gió Đông Bắc và Tây Nam, có lượng mưa thấp nhất toàn quốc, bình quân trên dưới 700 mm/năm, nên Ninh Thuận thường được ví là vùng đất "thiếu mưa, thừa nắng". Đây cũng là lợi thế để Ninh Thuận tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: bông, nho, hành, tỏi, dê, cừu,... Nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nuôi gia súc có sừng, nuôi tôm trên cát phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến nay, tổng đàn gia súc có sừng có trên 200 nghìn con với chất lượng nguồn giống tốt, thị trường tiêu thụ rộng lớn, giá cả phù hợp. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, một số mô hình chăn nuôi mới rất có triển vọng đã xuất hiện tại Ninh Thuận như: nuôi đà điểu, tôm hùm lồng, ốc hương, rong sụn, tôm sú thịt bán công nghiệp; phát triển vùng nguyên liệu có quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến như điều, mỳ (sắn), ngô lai, mía, bông vải, thuốc lá, nho, cây nem chịu hạn.
Ninh Thuận còn có 105 km bờ biển thoải sạch, có nhiều vùng biển sâu, nhiều chân núi nhoài ra biển tạo nên những vũng, vịnh, cồn đẹp, vừa tạo cảnh quan du lịch sinh thái, vừa thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, nhất là xây dựng các cảng hàng hóa, cảng cá. Biển Ninh Thuận có nhiều hải sản quý phục vụ chế biến thuỷ, hải sản; độ mặn biển Ninh Thuận cao hơn so với các vùng biển khác, thuận lợi cho sản xuất muối công nghiệp,... Nói cách khác, biển Ninh Thuận có điều kiện cần và đủ cho việc phát triển kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trong đó, thuỷ sản được Ninh Thuận xác định là ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ vì biển Ninh Thuận là một trong 4 ngư trường đánh bắt trọng điểm của cả nước, mà còn là nơi cung cấp tôm giống chất lượng cao có uy tín trong nước, với gần 1.200 trại tôm giống, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 4,4 tỷ con giống, chiếm 30% lượng tôm giống cả nước; đáng chú ý là tỷ lệ sống cao khoảng 70%, được Bộ Thuỷ sản chọn đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao trong thời gian tới. Không chỉ cho nhiều tôm cá, biển Ninh Thuận còn là kho muối vô tận, với sản lượng 150 - 180 nghìn tấn muối công nghiệp/năm, có thể đạt 320 nghìn tấn/năm khi dự án muối công nghiệp Quán Thẻ đi vào hoạt động. Cùng với muối công nghiệp, sản phẩm sau muối như thạch cao, nước ót, muối tinh cũng được khai thác, hình thành tổ hợp sản xuất muối công nghiệp và gắn với công nghiệp hóa chất đặt tại Ninh Thuận như Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 đã xác định.
Khai thác du lịch biển cũng là một trong những lợi thế đặc thù của Ninh Thuận: bãi tắm Ninh Chữ có vị trí thuận lợi nằm giữa trục tam giác du lịch Đà Lạt - Phan Thiết - Nha Trang là một trong những điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên hành trình xuyên Việt. Trải dài hàng chục kilômét sát bờ biển phía bắc Ninh Thuận là Vườn quốc gia Núi Chúa với diện tích 28 nghìn ha, phần lớn là núi rừng nguyên sinh có nhiều loại động, thực vật quý hiếm; có rạn san hô đa dạng, phong phú. Đặc biệt, biển Ninh Thuận còn được Quỹ bảo vệ thiên nhiên hoang dã của Liên hợp quốc (WWF) xác định là vùng trú ngụ thuận lợi của rùa biển - một loại động vật quý hiếm trên thế giới; có bãi biển Cà Ná thơ mộng nằm sát quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam. Ngoài ra, một số khu vực bình nguyên nằm giữa núi rừng với các hồ nước ngọt lớn như: hồ Sông Trâu, Sông Sắt, Tân Giang, Tân Mỹ, chân đèo Sông Pha, Suối Thương, suối nước nóng Mỹ á,... Sẽ là những điểm du lịch sinh thái có triển vọng trong tương lai.
Thiên nhiên cũng ưu đãi cho Ninh Thuận nhiều mỏ đá granít lộ thiên với trữ lượng lên đến gần 01 tỷ m3. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Ninh Thuận là một trong số ít tỉnh có nguồn nguyên liệu quý phục vụ công nghiệp xây dựng, không chỉ có trữ lượng lớn mà còn có chất lượng cao, dễ khai thác, màu sắc đẹp, đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước. Hiện tại, tỉnh có 02 dự án đang triển khai với quy mô lớn, công suất giai đoạn đầu trên 400 nghìn m3/năm.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có nhiều nét đặc thù về xã hội nhân văn, nhất là về bản sắc văn hóa của các dân tộc Kinh, Chăm, Raglai, Hoa,... với những lễ hội, những vũ điệu đặc sắc, những pho sử thi lâu đời. Con người Ninh Thuận vốn cần cù, chịu khó, trọng nghĩa tình, đạo lý, hiếu học, thích ứng nhanh với cái mới, đó là những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, những vốn quý đã và đang được vun đắp, giữ gìn, từng bước bảo tồn, phát huy, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch - văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Huy động mọi nguồn lực để "tăng tốc" phát triển
Phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có, trong những năm qua, Đảng bộ Ninh Thuận đã tập trung phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (tháng 12-2000). Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 9%/năm (năm 2004 tăng 9,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. An ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân có bước cải thiện đáng kể, kết cấu hạ tầng phục vụ cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, dịch vụ được đầu tư nâng cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Tháng 11-2004, trong chuyến thăm và làm việc với Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã đánh giá: "Ninh Thuận có sự chuyển biến tương đối toàn diện". Đây cũng là nhận xét của các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước khi về thăm và làm việc tại Ninh Thuận.
Những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mà Ninh Thuận đạt được trong những năm gần đây là minh chứng thể hiện tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận. Đó cũng là kết quả của sự quan tâm đặc biệt mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương dành cho Ninh Thuận. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn, trên đường đi tới còn nhiều việc phải làm. Xuất phát điểm nền kinh tế, thu ngân sách còn thấp, mới đáp ứng 1/3 nhu cầu chi hợp lý; kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh; thu nhập bình quân mới bằng 55% so với mức bình quân của cả nước; kết cấu hạ tầng phát triển ở mức thấp. Tình trạng thiếu và mất cân đối nghiêm trọng về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm quản lý và thị trường để khai thác hiệu quả nhất những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là điều trăn trở nhất hiện nay. Thực tế này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền Ninh Thuận phải tập trung huy động và triển khai tốt mọi nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới.
Điều đáng mừng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39/NQ-TW về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các tỉnh duyên hải miền Trung với nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể. Trong đó, Ninh Thuận được xác định là nơi tập trung đầu tư sản xuất muối công nghiệp và hóa chất sau muối, du lịch, đánh bắt thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc có sừng. Cùng với chủ trương trên của Bộ Chính trị, Ninh Thuận còn được Chính phủ hỗ trợ triển khai nhiều dự án lớn mang tính động lực trong vài năm tới. Tiếp theo công trình hồ Tân Giang (dung tích 13 triệu m3 nước, tổng vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng), hồ Sông Trâu (35 triệu m3 nước, tổng vốn đầu tư 220 tỷ đồng), hồ Sông Sắt (69,9 triệu m3 nước, tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng), Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng 02 hồ chứa nước lớn: hồ Tân Mỹ (60 - 80 triệu m3 nước, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng), hồ Sông Than (65 triệu m3 nước, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng), một số hồ vừa và nhỏ như: Bầu Zôn, Lanh Ra, Bầu Ngứ,... cùng một số công trình đầu mối với tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Về giao thông, trong thời gian tới, quốc lộ 27, 27B sẽ được mở rộng; mở rộng đường tránh, đường vào thị xã, mở đường dọc tuyến biển,... Các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng khác đang hoàn thành thủ tục đầu tư như: nâng công suất Nhà máy nước Phan Rang - Tháp Chàm lên 52 nghìn m3/ngày đêm, tổng kinh phí 23,19 triệu USD; dự án cấp thoát nước thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, tổng vốn đầu tư 07 triệu Euro (vốn ODA). Một số dự án lớn đang được Thủ tướng Chính phủ giải quyết về mặt nguyên tắc như Dự án khôi phục tuyến đường sắt Đà Lạt - Phan Rang, xây dựng cảng nước sâu Mũi Dinh, xây dựng nhà máy thuốc lá điếu, thành lập 02 khu công nghiệp và nhiều dự án y tế, giáo dục, văn hóa,... Đặc biệt, sau khi sân bay Cam Ranh và cảng Ba Ngòi của Khánh Hoà được Thủ tướng Chính phủ cho phép khai thác, Ninh Thuận có lợi thế lớn trong việc triển khai các khu công nghiệp trên trục quốc lộ 1A. Hiện nay, một số doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đến từ Hải Dương, Bình Dương đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để đầu tư. Ngoài ra, đầu năm 2005, lãnh đạo hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hoà đã ký giao ước hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ ký kết hợp tác với các tỉnh trong khu vực và thành phố Hồ Chí Minh; mở hội nghị xúc tiến đầu tư; mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để chào đón nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh nhằm cùng nhau khai thác lợi thế, qua đó tranh thủ sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển về khoa học - công nghệ, về quản lý để cùng phát triển.
Cùng với những nhân tố mang tính ngoại lực nêu trên, Tỉnh uỷ Ninh Thuận xác định phải tập trung khai thác và phát huy nội lực. Để tạo sự thông thoáng trong đầu tư phát triển, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã thông qua một số chính sách quan trọng như: điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2010 có tầm nhìn đến năm 2020; chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư, chính sách về giá đất mới áp dụng từ 1-1-2005, chính sách đào tạo nguồn nhân lực; tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất và nhanh nhất cho các dự án và nhà đầu tư vào Ninh Thuận. Đồng thời, tập trung nguồn vốn ngân sách đẩy nhanh thi công các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện nước, cơ sở dịch vụ và vùng nguyên liệu trọng điểm phục vụ công nghiệp chế biến. Mục tiêu mà Ninh Thuận quyết tâm phấn đấu đến năm 2010 là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mang tính bứt phá (11 - 12%/năm) cùng cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm 30%, công nghiệp - xây dựng chiếm 35% và dịch vụ - thương mại chiếm 35% trong GDP của tỉnh.
Với tiềm năng và những nhân tố mới đã được nhận diện, thực hiện hiệu quả những giải pháp lớn đã được xác định cho từng năm và cả giai đoạn đến năm 2010, phát huy truyền thống tỉnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, kế thừa và phát triển những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, cộng với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận trong việc vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đời sống; đồng thời có sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành; sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước,... Việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra là hoàn toàn khả thi, tạo cho Ninh Thuận thế và lực mới để bước vào giai đoạn "tăng tốc" phát triển, tự tin vững bước trên con đường hội nhập vì mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét