Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm việc tại Ninh Thuận

Sáng 24/08/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã đến thăm và làm việc tại Cảng cá Đông Hải, phường Đông Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ thăm và khảo sát tại Cảng cá Đông Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Nguồn: FinancePlus.vn
Cảng cá Đông Hải được xây dựng từ năm 1994, là cảng cá lớn thứ hai của tỉnh Ninh Thuận, có thể tiếp nhận vài trăm tàu cá có công suất từ 100 - 200 CV, thậm chí đủ điều kiện tiếp nhận cả tàu 450 CV. Thời gian gần đây, Cảng đã và đang được đầu tư nạo vét luồng lạch, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung các phương tiện kỹ thuật, góp phần giúp tỉnh Ninh Thuận hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá và tiêu thụ hải sản tại địa phương…


Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng: Ngành Thủy sản có vị trí rất quan trọng đối với kinh tế Ninh Thuận khi chiếm tỷ trọng từ 15% - 18% tổng giá trị của kinh tế địa phương. Đặc biệt, với lợi thế về biển, cơ cấu khai thác hải sản không ngừng tăng, thể hiện Ninh Thuận đang thực hiện hiệu quả chiến lược kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng; phát triển lực lượng khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để lực lượng khai thác hải sản, nhất là khai thác xa bờ phát triển bền vững, thu nhập của ngư dân không ngừng được nâng cao, tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục chỉ đạo các ngành hữu quan của địa phương tích cực đầu tư đồng bộ hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo bến bãi, luồng lạch đủ tiêu chuẩn, an toàn, gắn với phát triển đội tàu cũng như đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, không ngừng đổi mới và phát triển các mô hình liên kết và hợp tác trong đánh bắt - dịch vụ - chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm nghề cá và khai thác thuỷ hải sản, gắn chiến lược kinh tế biển với an ninh - quốc phòng của địa phương…
Chiều ngày 24/08/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận. Tiếp đoàn, về phía Tỉnh uỷ Ninh Thuận có ông Nguyễn Chí Dũng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND Tỉnh và một số lãnh đạo UBND Tỉnh, lãnh đạo một số sở ban, ngành của Tỉnh.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Thuận, sau 5 năm thực hiện chương trình nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Ninh Thuận đã xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả. Lợi thế về sản xuất giống thủy sản được phát huy. Chủ trương xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo. Công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đối tượng chính sách được các cấp ngành, địa phương quan tâm thực hiện tốt.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Ninh Thuận. Nguồn: FinancePlus.vn
Giai đoạn 2009-2013, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Ninh Thuận đã tăng bình quân 6,23%; trong đó nông, lâm nghiệp tăng 4,4%, thủy sản tăng 8,1%. Cơ cấu nội bộ ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản có xu hướng chuyển dịch theo hướng giảm ngành nông, lâm nghiệp và tăng ngành thủy sản. Năm 2008, nông lâm nghiệp chiếm 63,8% thì năm 2013 giảm chỉ còn 61,4%; thủy sản từ 36,2% năm 2008, tăng lên 38,6% năm 2013 về giá trị sản xuất. Trong ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch rõ nét về cơ cấu sản xuất giữa trồng trọt, chăn nuôi: trồng trọt giảm từ 65,3% năm 2008 còn 58,6% năm 2013; chăn nuôi tăng từ 27,6% lên 31,1%; thể hiện xu thế phát triển của ngành chăn nuôi trong định hướng phát triển thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp.
Ninh Thuận cũng đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 theo hướng cơ cấu lại các ngành nhằm phát huy lợi thế so sánh của ngành đối với khu vực và trong cả nước, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có tính đặc thù. Theo đó, cây táo được xác định là một trong 8 loại cây trồng chính của Tỉnh, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần làm thay đổi đời sống nông dân. Ngoài diện tích mô hình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP đã và đang được một số hộ dân thực hiện, ngành Nông nghiệp tỉnh đang lập kế hoạch phát triển hàng năm và từng giai đoạn, nghiên cứu và hoàn thiện thêm quy trình "Ninh Thuận trồng táo theo hướng an toàn" gắn với tiêu thụ, trên cơ sở đó khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng táo. Bên cạnh việc được hướng dẫn chi tiết quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn của VietGAP, người trồng táo còn được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp và tập huấn về cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng.
Những năm qua, nhìn chung kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn của Ninh Thuận không ngừng được xây dựng, đầu tư, nổi bật là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn được đầu tư về thủy lợi, giao thông, xây dựng các điểm dân cư và chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường... Trình độ nhận thức, năng lực sản xuất của các hộ nông dân, ngư dân và hợp tác xã và doanh nghiệp được nâng cao; các hình thức hợp tác mới trong nông thôn từng bước hình thành và hoạt động có hiệu quả. Đời sống vật chất của nông dân tiếp tục cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo không ngừng giảm…
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ hoan nghênh tỉnh Ninh Thuận đã chủ động có nhiều tìm tòi sáng tạo, làm tốt công tác quy hoạch với tầm nhìn xa… Nhờ vậy, diện mạo nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Thuận đã có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã và đang phát huy được các lợi thế vùng - các điều kiện tự nhiên về nông nghiệp và thuỷ hải sản, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhờ vậy bộ mặt các vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống và trình độ nông dân không ngừng được tăng lên.
Về phương hướng sắp tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Ninh Thuận tiếp tục có chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung đầu tư tạo nên vùng sản xuất hàng hóa, công nghiệp dịch vụ; khai thác tốt thế mạnh của Tỉnh như sản xuất muối, đánh bắt hải sản, phát triển dịch vụ du lịch, khai thác điện năng từ nguồn năng lượng: gió, mặt trời. Tiếp tục phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; Quan tâm xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; Thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; Chú trọng nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp trong lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn; Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là về 8 loại hình cây ăn quả chủ lực, chăn nuôi và khai thác hải sản xa bờ, không ngừng tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các điển hình tiên tiến, huy động ngày càng nhiều hơn các nguồn lực xã hội vào phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét